Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Uỷ ban nhân dân xã Phú Lộc Ban hành quy chế về bảo vệ môi trường và quản lý, thu gom xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Phú Lộc

ỦY BAN NHÂN DÂN

      XÃ PHÚ LỘC   

Số: 33 /QĐ-UBND

 

 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

           Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

     Phú Lộc, ngày 25 tháng 01 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành quy chế về bảo vệ môi trường và quản lý, thu gom xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Phú Lộc

 

 
 

 

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ PHÚ LỘC

 

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương, ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/05/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thu hành Luật bảo vệ môi trường;

Xét đề nghị của Công chức địa chính Nông nghiệp – NTM xã,

QUYẾT ĐỊNH:

          Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về bảo vệ môi trường

và quản lý, thu gom xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Phú Lộc, gồm 6

Chương và 16 Điều.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Văn phòng UBND, các ban ngành, tổ chức đoàn thể, HTX dịch vụ môi trường, các ông (bà) trưởng thôn và các hộ gia đình, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

Nơi nhận:

- UBND huyện;

- TT Đảng, HĐND, UBND xã;

- Các ban ngành, đoàn thể;

- 08 thôn;

- Đài phát thanh xã;

- Lưu VT- UBND xã.

                                    CHỦ TỊCH

 

 

 

                  Đoàn Văn Nga

QUY CHẾ

VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ QUẢN LÝ, THU GOM XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN XÃ PHÚ LỘC

 (Ban hành kèm theo Quyết định số 33 /QĐ-UBND ngày  25/ 01 /2021

của UBND xã Phú Lộc) 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1Phạm vi điều chỉnh:                                                                 

1. Quy chế này quy định về trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong việc tham gia bảo vệ môi trường.

2. Quy định về cơ cấu tổ chức, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, vệ sinh môi trường.

Điều 2Đối tượng áp dụng:

Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã Phú Lộc, có rác thải sinh hoạt và rác thải sản xuất, kinh doanh chấp hành nghiêm quy chế này.

Điều 3. Nguyên tắc bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn thể cộng đồng, là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi gia đình, tập thể, cá nhân, các cơ quan, trường học trên địa bàn xã Phú Lộc.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN, HỘ GIA ĐÌNH

          Điều 4. Thực hiện lối sống thân thiện bảo vệ môi trường.

1. Tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường do chính quyền, các tổ chức đoàn thể, khu dân cư phát động. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy ước của khu dân cư.

2. Mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân đang sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn xã không được vứt rác, đổ rác, nước thải, chất thải sinh hoạt, chăn nuôi ra ngoài môi trường: lòng, lề đường, sông ngòi, mương máng, cầu, cống, hệ thống thoát nước công cộng khác; Rác thải, nước thải, chất thải trong khu dân cư phải được thu gom, xử lý đúng quy trình trước khi thải ra hệ thống mương thoát nước chung.

3. Mọi tập thể, cá nhân, hộ gia đình, trưởng thôn đều phải ký cam kết, đăng ký bảo vệ môi trường với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ môi trường. Hàng ngày làm tốt công tác vệ sinh môi trường trong gia đình, cơ quan, khu dân cư.

4. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình khi tiến hành cải tạo, xây dựng hoặc phá bỏ công trình cũ phải tự thu dọn, không làm ảnh hưởng tới môi trường và giao thông.

5. Không vận chuyển rác, chất thải ở nơi khác về địa phương tiêu hủy, chôn lấp.

6. Phải ký hợp đồng thu gom rác thải với trưởng thôn hoặc tổ thu gom rác thải. Nộp đủ và đúng thời gian các loại phí môi trường theo quy định của xã.

7. Giám sát việc bảo vệ môi trường của các cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh và các hộ gia đình, cá nhân khác trong khu vực mình sinh sống. Khi phát hiện các sai phạm kịp thời phản ánh với chính quyền địa phương để xử lý.

Điều 5. Bảo vệ môi trường tại khu dân cư

1. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải phân loại rác thải tại nguồn, đối với rác thải đưa về lò đốt rác tập trung phải bỏ vào dụng cụ chứa rác hợp vệ sinh như bao bì đóng kín, buộc chặt để tổ vệ sinh môi trường thu gom. Không để vật đựng rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình ra lòng đường. Xung quanh khu vực sinh sống, đường làng ngõ xóm phải quét dọn, vệ sinh thường xuyên.

2. Việc vận chuyển các loại vật liệu, phế thải, chất thải không được làm rò rỉ, rơi vãi ra đường, làm ảnh hưởng đến môi trường và giao thông. Nghiêm cấm tập kết vật tư, hàng hóa, phế thải tràn lan, trộn vữa hồ, bê tông trên trục đường giao thông, nơi công cộng gây cản trở giao thông và ảnh hưởng tới môi trường.  

3. Nghiêm cấm hoạt động hủy hoại tài nguyên thủy sản, không dùng thuốc nổ, xung điện hoặc các loại phương tiện khác mang tính hủy diệt để đánh bắt thủy sản gây hủy hoại môi trường.

4. Nghiêm cấm các hình thức đốt dây điện, các chất cao su, vật liệu gây mùi khét độc hại trên địa bàn xã làm ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe của con người. Các chất thải rắn nguy hại như pin, bóng đèn, chai lọ thủy linh... các hộ phải thu gom về thùng đựng chất thải rắn nguy hại tại các thôn để Công ty đem đi xử lý.

5. Hàng cây xanh bên đường: chăm sóc, bảo vệ, tuyệt đối không chặt phá, bẻ cành cây.

Đối với các công trình công cộng, đường giao thông không được tự ý đào, xới.

6. Không gây tiếng ồn, độ rung quá mức cho phép gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng dân cư xung quanh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 22h đêm đến 5h sáng.

Điều 6. Bảo vệ môi trường trong lĩnh vực mai táng

1. Việc an táng người chết phải được thực hiện trong nghĩa trang, theo đúng quy hoạch, sử dụng đất của UBND xã.

2. Các đồ dùng, tư trang, sinh hoạt của người đã chết gia đình tự tiêu hủy tại nghĩa trang nhân dân ( khu vực cồn sắn về phía tây nam và khu vực mã cốt về phía đông nam) hoặc đưa về lò đốt rác thải tập trung của xã để xử lý, tuyệt đối không được vứt ra ngoài môi trường, sông, ao, hồ, kênh mương.

3. Việc cải táng, hung táng xong phải hoàn trả lại hiện trạng.

Điều 7. Bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi

1. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình kinh doanh, sản xuất, buôn bán, hành nghề phế liệu, các chủ cơ sở giết mổ, buôn bán vật nuôi, gia trại, trang trại, các cơ sở chế biến gỗ, may, cơ khí, vật liệu xây dựng hoặc làm các ngành nghề dịch vụ, thủ công khác phải có cam kết bảo vệ môi trường, thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Có nơi chứa, phân loại rác thải, chất thải và phải được xử lý theo quy định.

2. Các hộ sản xuất trồng trọt: Sau khi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các chế phẩm sinh học khác phải đúng quy trình hướng dẫn; bỏ các vỏ bao, bì, vỏ lọ, vật đựng, túi nilon vào bể chứa đã lắp đặt hoặc tự thu gom đưa về lò đốt rác.

Không đốt, vứt, phun, phơi rơm rạ, sản phẩm phụ sau thu hoạch xuống hệ thống tiêu thoát nước, nơi công cộng, đường giao thông và được phân loại, xử lý tại ruộng.

3. Các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng ngày phải vệ sinh bên trong và bên ngoài chuồng nuôi. Trong quá trình làm vệ sinh không gây ảnh hưởng đến khu vực xung quanh. Trường hợp lấy chất thải, nước thải ra khỏi chuồng trại phải có biện pháp xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Nước thải, chất thải phải qua hệ thống bioga. Nghiêm cấm việc xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý vào môi trường. Không thả rông vật nuôi đặc biệt đàn chó, hạn chế để vật nuôi phóng uế, gây mất vệ sinh nơi công cộng.

Khi có động vật nuôi có biểu hiện bị bệnh phải báo cáo ngay cho thú y xã để điều trị kịp thời. Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải chôn lấp đúng quy định và báo lên chính quyền địa phương. Thực hiện tiêu độc khử trùng môi trường khu vực chuồng nuôi theo quy định.

 Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC,

VÀ CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ XÃ HỘI

Điều 8. Trách nhiệm của UBND xã

1. Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn. Đưa tiêu chí về bảo vệ môi trường vào trong việc đánh giá thôn, xóm và gia đình văn hóa. Tuyên truyền, giáo dục, vận động kết hợp với các biện pháp hành chính, kinh tế và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật để xây dựng ý thức, tự giác, kỷ cương trong hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của hộ gia đình, cá nhân. Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trên.

3. Hoà giải các tranh chấp về môi trường phát sinh trên địa bàn theo quy định của pháp luật về luật hoà giải.

4. Chỉ đạo, thành lập, quản lý hoạt động của các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải. Giám sát việc thu, chi kinh phí phục vụ cho thu gom, vận chuyển, xử lý môi trường.

Điều 9. Trách nhiệm của UBMTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.

MTTQ xã, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thể trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các thành viên của tổ chức và nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường; giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 10. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn xã.

1. Các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp căn cứ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện các quy định và bảo vệ môi trường thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của đơn vị.

2. Phân công cán bộ, công nhân phụ trách lĩnh vực bảo vệ môi trường trong cơ quan, đơn vị. Có đủ các thùng để rác, nơi phân loại rác thải. Chất thải phải được thu gom xử lý theo quy định.

3. Tổ chức thực hiện các kế hoạch, đợt phát động nhằm bảo vệ môi trường của UBND xã. Tuyên truyền cán bộ, công nhân, người lao động trong cơ quan về thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường.

4. Ký cam kết Bảo vệ môi trường với chính quyền địa phương. Đóng đủ và đúng thời gian về các loại phí bảo vệ môi trường.

Điều 11. Trách nhiệm của cấp ủy, trưởng thôn.

1. Tổ chức thực hiện các biện pháp Bảo vệ môi trường, chấp hành nghiêm chỉnh Luật Bảo vệ môi trường. Tổ chức thực hiện các kế hoạch, đợt phát động nhằm bảo vệ môi trường do UBND xã, MTTQ xã và các ngành đoàn thể phát động.

2. Quản lý địa bàn thôn xóm, tuyên truyền, vận động, nhắc nhở mọi người thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Quy chế môi trường của UBND xã.

3. Hoà giải các tranh chấp về môi trường phát sinh trên địa bàn theo quy định của pháp luật về luật hoà giải.

4. Kiểm tra, báo cáo với UBND xã theo định kỳ hàng tháng hoặc các hành vi vi phạm, phát sinh trong thôn xóm, khu dân cư.

5. Trưởng thôn có trách nhiệm lập danh sách nhân khẩu tại thời điểm của thôn mình quản lý, kết hợp với tổ thu gom rác thải thu phí và giải quyết những nhân khẩu không chấp hành nộp phí. Trường hợp cố tình không chấp hành hoặc gây cản trở việc thu gom rác thải lập danh sách báo cáo về HTXDV môi trưởng để giải quyết.

Chương IV

HOẠT ĐỘNG THU GOM, XỬ LÝ VÀ PHÍ VỆ SINH

Điều 12. Tổ chức hoạt động thu gom, xử lý rác thải

1. Tổ thu gom rác thải đến từng đường làng, tận cổng hộ gia đình một lần/tuần; Các đống rác thải tự phát trong khu dân cư, trên địa bàn xã phải được thu gom kịp thời. Thu gom, vận chuyển về nơi tập kết các vỏ bao bì, vỏ lọ, túi nilon, vật đựng khác khu vực ngoài đồng ruộng, bể chứa bảo vệ thực vật theo quy định.

2. Tổ vệ sinh môi trường tổ chức xử lý rác thải sinh hoạt tại khu xử lý tập trung của địa phương phải đảm bảo theo đúng quy trình của pháp luật.

Điều 13. Phí vệ sinh.

1. Đối với hộ gia đình mỗi tháng phải nộp một khoản phí vệ sinh cho cán bộ thu phí tại nhà văn hóa thôn để HTX dịch vụ môi trường chi trả dịch vụ thu gom, vận chuyển và công trông coi, xử lý (đốt) tại lò đốt rác thải tập trung theo quy định của UBND xã. Trường hợp các hộ gia đình tham gia sản xuất kinh doanh, chăn nuôi có lượng rác thải không phải là rác thải sinh hoạt thì tùy theo lượng rác thải ra mà ký kết hợp đồng với tổ vệ sinh môi trường với khoản phí do hai bên tự thoả thuận.

2. Kinh phí thu gom rác thải sinh hoạt được xây dựng từ các nguồn sau đây:

a. Từ đóng góp của tổ chức, các nhân khẩu thường trú (nhân khẩu tại địa phương), tạm trú có thời hạn tại địa phương. 

b. Đối với các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh dịch vụ, ngoài mức đóng góp chung theo nhân khẩu còn phải đóng góp thêm theo quy định đối với hộ kinh doanh, dịch vụ.

Chương V

XỬ LÝ VI PHẠM - KHEN THƯỞNG

Điều 14. Xử lý vi phạm.

1. Các tổ chức, hộ gia đinh, cá nhân cố tình vi phạm quy định bảo vệ môi trường tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà UBND xã xử lý đình chỉ hoặc đề nghị cấp trên giải quyết và nêu tên nhắc nhở trên hệ thống đài truyền thanh xã và buộc thu dọn hoặc chịu toàn bộ kinh phí thuê dọn để trả lại hiện trạng ban đầu.         

2. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

3. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường nếu có hành vi chống đối người thi hành công vụ, trì hoãn, trốn tránh việc chấp hành hoặc có hành vi vi phạm khác tùy theo tính chất, mức độ vi phạm lập hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cụ thể mức xử phạt hành chính như sau:

a. Hộ sản xuất trồng trọt khi vứt vỏ, bao, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, nilon và các loại phế phẩm nông nghiệp ( xác các loại cây trồng và cỏ) xuống lòng mương, đường giao thông nội đồng bị phạt 50.000đồng/lần vi phạm và phải thu dọn ( theo quy ước của xã Nông thôn mới Kiểu mẫu)

b. Trong lĩnh vực chăn nuôi nông hộ: Phạt tiền từ 500.000đồng đến 1.000.000đồng đối với hành vi không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh. (Quy định tại khoản 1, điều 31 Nghị định 14/2021/NĐ-CP)

Đối với chủ vật nuôi có hành vi vứt xác động vật mắc bệnh truyền nhiễm không đúng nơi quy định bị phạt cảnh cáo phạt tiền từ 500.000đồng -1.000.000đồng (Quy định tại khoản b, điểm 3, điều 5 Nghị định 119/2013/NĐ-CP)

c. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản: Phạt tiền từ 3.000.000đồng đến 5.000.000đồng đối với hành vi không thu gom, xử lý bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh trong ao nuôi thủy sản theo quy định; thải nước nuôi trồng thủy sản vượt quy chuẩn nước sử dụng cho mục đích nuôi trồng thủy sản không theo quy định của địa phương (Quy định tại khoản a, điểm 5, điều 12 Nghị định 155/2016/NĐ-CP).

d. Những hộ đang có mặt tại địa phương không tham gia tổng dọn vệ sinh môi trường do thôn, xã phát động thì phải đóng phí 50.000đ/hộ ( Theo quy ước của làng Văn hóa).

Điều 15. Khen thưởng.

1. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có thành tích trong hoạt động Bảo vệ môi trường, có hoạt động giám sát công tác bảo vệ môi trường, phát hiện và báo cáo kịp thời các hành vi gây ô nhiễm môi trường sẽ được tuyên dương, được khen thưởng bằng các hình thức sau:

a. Biểu dương tại các hội nghị sơ kết, tổng kết, trên hệ thống đài truyền thanh xã.

b. Tặng giấy khen + tặng phẩm của UBND xã.

c. Đề nghị cấp trên khen thưởng.

2. Đảng ủy, chính quyền, các ngành, các đoàn thể, xóm đội đưa việc bảo vệ môi trường thành một tiêu chí trong việc bình xét thi đua, thành tích của đơn vị, cá nhân.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN 

Điều 16. Trách nhiệm triển khai thực hiện

1. UBND xã giao cho cán bộ chuyên môn, HXT dịch vụ môi trưởng, các ban ngành, đoàn thể có liên quan, cấp ủy, Trưởng thôn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Quy chế này.

2. Công chức Địa chính Môi trường, công an xã, trưởng thôn phối hợp với các ban ngành có liên quan kiểm tra phát hiện lập biên bản báo cáo, tham mưu cho chủ tịch UBND xã xử lý kịp thời những vi phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường trong phạm vi toàn xã theo quy định hiện hành.

3. Những nội dung không được quy định tại Quy chế này thực hiện theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật có liên quan.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi, phản ánh về UBND xã để tổng hợp, sửa đổi cho phù hợp./.

               

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ PHÚ LỘC - HUYỆN HẬU LỘC

Chịu trách nhiệm: Bùi Hải Hưng - CHỦ TỊCH UBND XÃ

Địa chỉ: Xã Phú Lộc - Huyện Hậu Lộc - Tỉnh Thanh Hóa

Số điện thoại: 0912378936

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa